Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Thiên chức nhà giáo - Tâm sự của một Thầy giáo đã nghỉ hưu


Dưới mái trường THPT Thị xã Quảng Trị, để có được những thế hệ học sinh trưởng thành, để có được những thành tích rạng rỡ hôm nay, cũng đã có nhiều thế hệ thầy cô giáo âm thầm, lặng lẽ đem cống hiến toàn bộ Tâm-Trí-Lực của mình. Trong những tháng năm khó khăn nhất của đất nước, thầy cô đã phải trải qua biết bao vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống ! Giờ đây, khi đã nghỉ ngơi, thầy Nguyễn Văn Quang - Giáo viên môn Tiếng Anh, trải lòng về Thiên Chức Nhà Giáo...

MẠN ĐÀM VỀ THIÊN CHỨC NHÀ GIÁO
                                                     
                                                       Nguyễn Văn Quang (Cựu giáo viên của trường)

          Thiên chức là gì?
      Thiên chức là chức vụ thiêng liêng Trời ban tặng cho (mission sacrée/sacred mission). Người ta thường nói thiên chức nhà giáo, thiên chức nhà báo, thiên chức nhà văn, ... Người làm một nghề chuyên môn nào đó thì được gọi là nhà. Nhưng không phải nhà nào cũng có được cái thiên chức ấy! Nói thiên chức nhà giáo cũng có nghĩa là nói đến đạo làm Thầy. Đạo là gì? Là con đường đúng đắn phải noi theo để đi đến chính nghĩa, chân lý. Có kẻ lầm tưởng rằng chỉ người theo một tôn giáo nào mới là người có đạo. Ai làm đúng cái nhiệm vụ thiêng liêng Trời Đất, xã hội giao cho đều mang trong tâm mình một cái đạo: Đạo làm Vua, đạo làm Cha, đạo làm Chồng,, Đạo làm Thầy, . . . Ông vua làm tròn thiên chức ấy thì người đời ca tụng là đấng minh quân (vua công minh, sáng suốt). Làm vua mà không biết lo thực thi sứ mệnh cao cả được giao phó, làm điều càn quấy, phản dân hại nước thì gọi là kẻ hôn quân - vô đạo ! Đối với đạo làm thầy, làm trò, làm con, ... cũng vậy. Ai đem hết tình cảm, lương tâm và trách nhiệm để làm tròn cái bổn phận của mình thì gọi là người trọn đạo.
 Trong dân gian, người ít học cũng biết theo và thực hành sự thiêng liêng của Đạo:
      Theo nhau cho trọn đạo Trời,
      Dẫu mà không chiếu, nằm tơi cũng đành!
Đạo Trời ở đây là gì? Là sự thuỷ chung của đôi vợ chồng, không vì khó khăn mà bỏ chồng, không vì giàu sang mà bỏ vợ,
(Tao khang chi thê bất khả hạ đường.).

Bây giờ tôi xin lạm bàn về cái Đạo làm Thầy.
Trước hết ta hãy xác định chỗ đứng của người Thầy trong xã hội.
Theo quan niệm xưa, người thầy có vị trí cao hơn người cha trong tam cương: Quân, Sư, Phụ. Thầy chỉ đứng dưới đấng thiên tử là vua, người thay Trời trị dân. Hàng nghìn năm qua không thấy ai phản đối về chỗ đứng của người Thầy, và ngày nay địa vị đó vẫn được xác lập. Vì sao? Vì cha mẹ sinh con, lo nuôi dưỡng cho con khoẻ mạnh, khôn lớn nhưng việc giáo dục để trở thành người trí thức thì do điều kiện, hoàn cảnh mà không đảm đương được, đành phải nhờ cậy đến người Thầy. Nói thế không có nghĩa là cha mẹ không có trách nhiệm giáo dục con cái; con cái không được giáo dục tốt vẫn là lỗi của đấng làm cha, làm mẹ, (Tử bất giáo, phụ chi quá). Khi nói con người thì người ta thường phân ra phần con và phần người. Nuôi cho ăn no đủ chỉ mới đáp ứng được phần con, phải giáo dục để phần con biến thành người mới có một thực thể đúng nghĩa của nó là con người (cao cả, thiêng liêng hơn con vật).
Sách xưa dạy: Nhân bất học, bất tri lý. Ấu bất học, lão hà vi? Và trong dân gian vẫn truyền nhau câu đầu cửa miệng: Không thầy đố mầy làm nên! Sinh ra người mà không học thì u mê như kẻ đi trong đêm tối mịt mù - Nhơn sanh bất học, minh minh như dạ hành (Thái Công). Có đạo làm thầy thì có đạo làm trò, biết tôn sư trọng đạo. Ngày xưa cứ mỗi Tết đến, người học trò luôn đến thăm thầy, đi tết thầy theo quy ước: Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Lễ bạc nhưng lòng thành, thầy không hề bắt buộc, nhưng người học trò xem nó là một nghĩa vụ thiêng liêng, là đạo lý cần phải giữ.  Ngày nay nhà nước và nhân dân vẫn luôn đề cao vai trò, vị trí của nhà giáo. Cả thế giới đều ý thức và tôn vinh cái địa vị ấy, vì mọi sự đều lấy văn hoá làm đầu, không có nó, xã hội sẽ ở vào trạng thái mông muội, không phát triển và tiến bộ được! NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20-11) hàng năm là một minh chứng về sự tôn vinh người Thầy trong thời đại hiện nay.
   Vậy, Nhà giáo có thiên chức, (nhiệm vụ thiêng liêng) gì?
  Nhiệm vụ của nhà giáo là dạy dỗ để người học phát triển khả năng thể chất, trí tuệ, đạo đức của con người, nghĩa là phải giáo dục, đào tạo được một con người toàn diện, cân bằng về thể chất, tinh thần, tình cảm, đạo đức để thực hiện được cái đạo làm người. Có người không hiểu đầy đủ thiên chức ấy nên làm công việc dạy học rất phiến diện, giản đơn, nghĩa là coi việc dạy học chỉ là một nghề kiếm sống như mọi nghề khác trong xã hội. Quan điểm này không nhiều, nhưng dù sao cũng là điều đáng tiếc.
Vì vậy, dạy người không đơn thuần dạy chữ (kiến thức chuyên môn), mà phải chú trọng đến đạo làm người, (hiểu biết và làm tốt các điều: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín)
Ngày nay, ngay tại các trường Tiểu học, có thể nói đối tượng học chưa có khả năng hiểu đầy đủ ý nghĩa của chữ LỄ, nhưng mỗi trường đều có tấm bảng treo rất lớn với khẩu hiệu:
       TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN.
       Tại sao TIÊN HỌC LỄ?
       Nghĩa của Chữ LỄ  nó rộng lắm, tôi chỉ xin trích một định nghĩa chính trong từ điển Thanh Nghị: Lễ là phép tắc phải tuân theo khi thờ cúng tổ tiên, quỷ thần hoặc giao tế trong xã hội. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến cái phép tắc phải tuân theo khi giao tế trong xã hội. Có thể nói rằng người Thầy không biết giữ lễ thì không còn là thầy nữa. Muốn dạy người trước hết phải biết giữ mình, sửa mình cho đúng gọi là tu thân. Tu thân không phải chỉ nói suông nơi cửa miệng mà lời nói phải đi đôi với việc làm. Phải hiểu định nghĩa của người xưa: Nói cho hay, làm cho phải ấy là tu thân. Không thể dạy người bằng lời khuyên khó chấp nhận: Hãy làm điều tôi nói, đừng làm điều tôi làm!  Người Tây phương có câu: Già nửa cái mới hôm nay được làm bằng cái cũ hôm qua.  Không nên cho rằng cái gì cũ cũng lạc hậu, đáng bỏ đi, mà phải biết chọn lọc những cái hay, cái tốt của tiền nhân. Có những cái ta học và làm theo cả đời chưa hết. Ví dụ các khái niệm Tam cương, ngũ thường; tam tòng, tứ đức,... Mới nghe tưởng là lạc hậu, thực ra càng nghiên cứu thấy càng hay. Dĩ nhiên, ngày nay chế độ xã hội đã thay đổi theo đà tiến bộ, văn minh, dân chủ, nên có cái phải sửa đổi hoặc bỏ đi. Ví dụ, xã hội không có vua thì không có quan hệ quân - thần. Nhưng vẫn phải có một giềng mối tương tự thay thế. Đó là quan hệ giữa nhà Lãnh đạo đất nước và thuộc cấp thừa hành. Ai nấy phải làm tròn nhiệm vụ của mình thì việc nước ắt thành công. Chẳng qua vì trong chế độ phong kiến,vua chuyên quyền, độc đoán, thực hiện cái giềng mối ấy quá nghiêm khắc hoặc sai lệch, chủ quan, nên bị phản tác dụng thôi. Giềng mối trong xã hội bao giờ cũng có. Đạo thầy trò cũng nằm trong đó. Tình sư đệ thiêng liêng lắm! Nhưng khi thầy không ra thầy, thầy mà làm trò ma giáo thì đừng hòng đào tạo được người học trò nên thân, nghĩa là nó biết giữ được cái đạo làm trò! Ngay cách lập ngôn, xử thế phải rất cẩn trọng. Hãy biết rằng người học trò và phụ huynh có những nhận xét rất tinh tế và nhớ rất lâu về tư cách, tác phong, hành động ... của một người thầy nào đó. Danh dự và hạnh phúc của người thầy tuỳ thuộc ở chỗ có làm tròn thiên chức nhà giáo hay không. Cũng có những học sinh học giỏi một môn nào đó rồi tôn vinh thầy, nhớ ơn thầy vì thầy truyền thụ cho mớ kiến thức ấy. Nhưng họ lại quên rằng khi họ nhớ được điều ấy chính là nhờ người thầy đã dạy cho họ hiểu và thấm nhuần cái đạo làm  trò, nói rộng ra là cái đạo làm người!
       HẬU HỌC VĂN. Văn ở đây là văn minh, văn hoá. Theo từ nguyên, VĂN là vẻ đẹp, Minh là vẻ sáng. HOÁ trong nghĩa là giáo hoá. Vậy VĂN HOÁ là nền giáo hoá theo cái văn minh mỗi thời đại (Thanh Nghị), là kiến thức khoa học để giúp con người phát huy trí tuệ, nhận thức đúng đắn về quy luật phát triển của giới tự nhiên và của xã hội, dùng kiến thức học được để cải tạo thiên nhiên, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Vậy thiên chức của nhà giáo là dạy tốt văn hoá cho học sinh. Muốn dạy văn hoá thì người thầy cũng phải có kiến thức văn hoá vững vàng, sâu rộng. Các thầy đạt đến mức đó thì được khen là thầy giỏi. Kiến thức của thầy không chỉ được học tại trường sư phạm mà còn tiếp tục học tập, nghiên cứu khi đã bước vào nghề. Ngành giáo dục thường mở các khoá tu nghiệp để làm gì? Thưa là để sửa nghề. Vì sao phải sửa?
Vì xã hội phát triển, tiến bộ từng ngày mà kiến thức đã học thì dần dần bị lạc hậu, lỗi thời! Tại sao có những khoá bồi dưỡng? Vì kiến thức con người như nước nằm trong bể cạn mùa hè, thờì gian chính là sức nóng mặt trời; nếu hằng ngày không chăm lo đổ thêm nước vào thì có ngày sẽ khô tận đáy bể. Khốn khổ thay!
“Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”, ông Khổng Tử đã phát biểu ý tưởng này cách đây hơn 2500 năm rồi!
Thầy giáo phải hiểu và biết học tập, đổi mới cho kịp với đà tiến bộ của nhân loại. Ví dụ, các thầy cô có tuổi cao không dùng được máy vi tính để giảng dạy theo phương pháp mới, đã cảm thấy lạc hậu nhiều và cũng là nỗi buồn riêng vì không theo kịp nền văn minh hiện đại!
Thế mà có một số ít thầy, cô giáo còn trẻ cứ cảm thấy tự mãn với cái vốn kiến thức ít ỏi của mình, không chịu tìm tòi học hỏi để nâng cao kiến thức. Kết quả là làm thiệt thòi cho người học, và cũng tự hạ thấp cái giá trị của người thầy.
            Nhưng, tại sao có hiện tượng một số ít nhà giáo xao lãng, chối bỏ cái đạo làm thầy?
Tôi nghĩ có thể do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan:
Một là, họ không hiểu cái thiên chức mình đang có và cần phải thực hiện. Họ cho rằng dạy học chỉ là một phương tiện kiếm sống, không hơn, không kém.
Hai là, do người đời không hiều đúng cái địa vị của nhà giáo khiến họ buồn lòng. Một thời, đã có quan niệm: Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm, hay: Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm! Những suy nghĩ và phát ngôn lệch lạc như vậy đã tạo ra một mặc cảm nặng nề cho những người đi vào cái nghề và cái nghiệp làm thầy. Họ tưởng như mình đang ở vào vị trí nghề thấp kém nhất của xã hội mà không nghĩ được rằng: “ Nghề dạy học là nghề cao quý nhất tong những nghề cao quý” ! (Cố thủ Tướng Phạm Văn Đồng)
Ba là, do một số ít người làm thầy mà không giữ được đạo; phong cách, ngôn ngữ, lối sống thiếu mẫu mực, thậm chí làm điều càn dở bị người đời lên án, khinh bỉ. Con sâu làm rầu nồi canh, gây ảnh hưởng không tốt cho đồng nghiệp. Thiên hạ lại vơ đũa cả nắm, đánh giá sai lạc về họ, khiến họ buồn lòng.
Bốn là, làm nghề giáo không kiếm được nhiều tiền, nhìn ra thấy thua kém thiên hạ, điều kiện vật chất thiếu thốn, không bảo đảm cho cuộc sống hàng ngày và phương tiện để hành cái đạo làm thầy. Rõ ràng là: Có thực mới vực được đạo!
Trong thực tế, có lúc đất nước quá khó khăn, thầy giáo phải ăn cháo đi dạy, nên trong dân gian đã có câu:
Thầy giáo tháo giày, đi dép lốp
Nhà trường nhường trà, uống nước trong!
Nhưng không phải vì thế mà vô trách nhiệm với công việc giáo dục được.
Năm là, thấy người ta làm ra quá nhiều tiền,(có thể chính đáng, có thể bất chính như hối lộ, tham nhũng, buôn gian, bán lận,....) người thầy không thắng được dục vọng của mình nên có kẻ đã bỏ nghề để tìm đủ mọi mánh khoé kiếm ra tiền. Nếu còn ở lại trong nghề thì tìm cách gạ gẫm học sinh đến học thêm với mình, dùng đủ trò ép buộc học sinh, nếu không thì tìm cách trù dập (mặc dầu mình dạy dỗ chẳng ra gì!). Dạy ở trường thì sơ sài, dành thời gian để lo cho việc dạy thêm. Đáng buồn thay! Bản chất của việc dạy thêm không phải là xấu. Xã hội  có nhu cầu thì nhà nước cho phép dạy thêm, cả hai bên đều có lợi (thầy có thêm thu nhập để cải thiện đời sống, trò có thêm kiến thức). Nhưng dù dạy ở đâu người thầy cũng phải giữ cái danh dự của mình, không thể bỏ ra ba vạn mua nó về để rồi bán rẻ nó chỉ có ba đồng! Mất ba vạn tiếc thật, nhưng không tiếc bằng mất cái danh dự của một đời người, của một nhà giáo!
Sáu là, cũng có trường hợp sinh viên nhiệt tình vào trường sư phạm nghĩa là muốn được làm cái thiên chức nhà giáo, nhưng do hoàn cảnh nghịch lý khiến họ bức xúc, bỏ nghề mà không tiếc nuối. Ví dụ: Khi ra trường, có nhiều trường hợp đi xin việc gặp phải người nhận đơn đòi điều kiện này, điều kiện nọ khó khăn và phi lý quá! Họ nghĩ lại thấy cha mẹ cho ăn học 16 năm hết cả gia tài mà không xin được việc, thôi thì đi tìm chỗ khác mà kiếm sống vậy. Đáng buồn và đáng tiếc thay!
 Trong đời sống xã hội, nhất là thời buổi hội nhập kinh doanh này, đồng tiền là cái cực kỳ cần thiết cho mọi hoạt động! Bao nhiêu người chạy đua theo đồng tiền. Vàng bạc làm cho lòng người đen tối, (hoàng kim hắc thế tâm)! Vậy người thầy phải tỉnh táo, cân nhắc giữa tiềntâm:
Khi mê tiền chỉ là tiền, tỉnh ra mới biết trong tiền có tâm.
Khi mê tâm chỉ là tâm, tỉnh ra mới biết trong tâm có tiền!
Nghề chơi cũng lắm công phu (Nguyễn Du), huống chi nghề làm THẦY! Làm Thầy thì phải học  phép làm thầy - gọi là khoa sư phạm. Tiếc rằng khi ra trường người ta thường chỉ chăm lo hai điều là kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy, mà bỏ quên một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đạo làm thầy! Nhắc đến cái đạo ấy thì họ cho rằng: Biết rồi, khổ quá , nói mãi! Nhưng thực tế thì họ chẳng biết bao nhiêu, hoặc biết thì biết vậy nhưng thực hành thì không. Đáng buồn thay! Họ không nhớ câu: giấy rách phải giữ lấy lề nên phớt lờ cái chức danh, địa vị vẻ vang xã hội dành cho họ. Thời nay người ta thường chuộng cái vỏ, cái hình thức hoa mỹ  mà coi thường cái nội dung chất lượng; vì vậy, có  những câu xã hội nói để tôn vinh họ thì chính họ lại cho là câu nói ngoài cửa miệng, không tự suy nghĩ để thực hiện cho chu đáo.
Cô giáo như mẹ hiền! Làm được như thế thì thật tuyệt vời! Ta có thể nói thêm: thầy giáo như cha hiền, mà cha hiền thì con hiếu thảo (Phụ từ, tử hiếu). Ôi hạnh phúc biết bao!
Xin nhớ cho rằng người đời đã kết luận về tầm quan trọng của người thầy dạy học như sau:
Làm thầy thuốc mà sai lầm thì giết chết một mạng người,
Làm thầy địa lý mà sai lầm thì giết chết một dòng họ,
Làm thầy dạy học mà sai lầm thì giết chết cả một thế hệ!
Vậy, người thầy giáo không được phép sai lầm. Khi sơ suất để phạm sai lầm thì phải biết ăn năn, hối cãi, phải biết sửa mình trước khi muốn sửa người khác.
Ai muốn dạy người khác đều phải là người có học, biết đạo làm người. Người xưa gọi người trí thức, biết giữ đạo làm người là kẻ sĩ. Kẻ sĩ luôn được tôn vinh hàng đầu: Sĩ, nông, công , thương. Cho nên Nguyễn Công Trứ viết:
Tước hữu ngũ, sĩ cư kì liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên,
Có giang sơn thì sĩ đã có tên.
Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý.
Đã mang danh kẻ sĩ thì phải luôn tâm niệm một điều:
Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.( Giàu có không thể lay động, làm đắm đuối  lòng ta; nghèo hèn không làm thay đổi được lòng ta; uy quyền, vũ lực không khuất phục được lòng ta!). Ngày xưa, một vị quan thấy vua vô đạo, không biết làm sao lật đổ được vua thì sẵn sàng treo ấn từ quan về mở trường dạy học, (hoặc đi cày), chứ không chịu bon chen theo cái mồi danh lợi mà bợ đỡ, luồn cúi, hùa theo kẻ vô đạo để làm điều phản dân, hại nước! Đáng phục thay!
           Người dạy học phải là một kẻ sĩ. Đã mang danh kẻ sĩ thì phải biết liêm sỉ, tức biết xấu hổ khi mình làm điều sai trái. Biết thẹn với lương tâm dù kẻ khác không biết. Biết hối cãi là biết đạo làm thầy và đạo làm người.
Người theo một tôn giáo họ thường hối lỗi bằng sự sám hối; ví dụ, tín đồ Phật giáo thì sám hối với Phật, tín đồ Công  giáo thì xưng tội với Chúa. Bây giờ người thầy giáo thì xưng tội với ai? Thưa: với lương tâm nhà giáo. Tôi tấp tểnh bước vào nghề năm 1967 và nghỉ dạy (chứ không phải bỏ dạy) năm 2007. Qua 40 năm làm công tác giảng dạy, suy xét bản thân cũng đã có lúc sai phạm trong cách xử sự với học sinh, tuy không phải là nghiêm trọng. Sau mỗi lần mắc sai lầm,khuyết điểm như thế, tôi cứ băn khoăn, lo lắng một điều là học sinh, hoặc phụ huynh đã chê trách, ghét bỏ mình! Tôi ăn năn và thầm ước giá như quay ngược được thời gian thì mình sẽ xử sự đúng đắn hơn, tốt hơn. Đó là một sự sám hối với lương tâm. Tôi tin tưởng rằng những thầy, cô nào trong quá trình giảng dạy, giáo dục đã phạm phải sai lầm đều có những ăn năn và mong ước như thế. Tôi gọi đó là sự ăn năn của kẻ sĩ -  kẻ trí thức!
Tóm lại, khi mình yêu nghề, có cái tâm với nghề thì có thể vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi cám dỗ của vật chất, chấp nhận đấy là cái nghiệp của một đời người. Ví dụ khi mình nghĩ làm nghề giáo nghèo quá, thì hãy nghĩ có nhiều nghề khác nặng nhọc, vất vả hơn mà còn nghèo hơn ta. Khi mình nghĩ dạy ở Quảng Trị nghèo hơn ở Huế, Đà Nẵng, ... thì hãy nghĩ rằng các đồng nghiệp của mình đang dạy tại một bản xa trên Hướng Hoá, Dakrông hay ở tận vùng duyên hải Triệu lăng, Hải khê ... còn gian nan vất vả, thiếu thốn trăm bề! Họ chịu được, tại sao ta không chịu được?! Người nông dân dầm sương, dãi nắng, chân lấm tay bùn, nhưng khi cày xong thửa ruộng vẫn thấy lòng rộn lên một niềm vui; người công nhân bước xuống hầm mỏ, thân thể lấm lem vì bụi than, ngột thở vì thiếu không khí, nhưng khi đưa lên mặt đất được một tạ than họ vẫn thấy toả sáng một niềm vui! Vậy lẽ nào người thầy không thấy mình hạnh phúc khi hoàn thành một giờ dạy như ý, 50 đôi mắt trong trẻo mỉm cười nhìn mình với tình cảm trìu mến, biết ơn!
Đã mang lấy nghiệp vào thân (ND), nếu trong những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhất mà bạn không nỡ bỏ nghề, vẫn một lòng thuỷ chung với nghề, thì hãy bền gan vững chí, rèn luyện trau nghề để làm tròn trách nhiệm của người thầy. Nếu ai đó sợ mình nghèo, bị kẻ giàu sang coi khinh, thì hãy tự tin mà nói lớn rằng: Nó khinh ta thì ta khinh nó. Vì sao vậy? Vì nếu nó khinh ta nghèo về vật chất thì ta khinh nó nghèo về tinh thần, tình cảm: Đêm ta nằm ngủ ngon vì an tâm đã làm tròn bổn phận. Nó trằn trọc suốt đêm vì đã làm điều bất chính, bị lương tâm giày vò, người đời nguyền rũa! Chắc gì ai hạnh phúc hơn ai?! Hãy an bần lạc đạo - an tâm vui sống với nghề !
Cái gì cũng có cái giá của nó. Ta đem hết cái tâm, cái công sức ra phục vụ nghề nghiệp thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng được trả công xứng đáng, không chóng thì chầy! Hãy luôn nhớ câu: Trọng nghĩa khinh tài ( tài: tiền của / vật chất.)
Và: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài ( tài: cái hay, cái giỏi).
Nếu chúng ta suy nghĩ và hành động theo những ý tưởng trên thì người dạy học sẽ làm tròn Thiên chức Nhà giáo!
      Có thể bạn đọc cho rằng tôi đã nghỉ hưu nên mạnh nói và  nói khoác!Thưa rằng tôi đang nói thực lòng mình những điều mình muốn tỏ bày. Những năm sau ngày Giải phóng, đất nước còn rất khó khăn. Chúng tôi không đủ cơm ăn phải đi khai hoang từng tấc đất dày đặc bom, mìn để kiếm từng lon gạo  nuôi mình và nuôi đàn con. Có lần tôi cuốc trúng kíp nổ, nổ xong tôi mới nằm xuống. Mấy anh đồng nghiệp đang cuốc gần đấy vừa cười, vừa thương, bảo rằng: Nếu trúng quả mìn thì anh tiêu đời rồi, có thì giờ đâu cho anh nằm xuống!. Như vậy đó! Nhưng tối về anh em vẫn ngồi vào bàn soạn giáo án cẩn thận và sáng mai vẫn lên lớp đúng giờ! Hiện nay, con tôi làm giáo viên, dâu tôi làm giáo viên, rể tôi làm giáo viên. Đôi khi ngồi chuyện trò thân mật trong gia đình, chúng tôi thường nói vui với nhau rằng: nhà mình làm cái  nghề - nghèo! Quả đúng vậy, đi dạy thì làm sao dễ dàng hái ra tiền như các nghề khác, hay các cách làm khác?! Nhưng rồi cha con, chồng vợ vẫn động viên nhau: nghề nghèo mà vẫn vui! Và thực tế thì chúng tôi vẫn thuỷ chung, vui sống với nghề!
          Những ngày khó khăn nhất của đất nước đã lùi xa, xã hội ngày nay không những là được ăn no, mặc ấm mà phần lớn nhân dân, trong đó có nhà giáo, đã được ăn ngon, mặc đẹp. Nhà nước đã chú trọng đầu tư nhiều cho nền giáo dục. Đời sống thầy, cô giáo đã có nhiều khởi sắc, nhà trường ngày càng có nhiều phương tiện cho thầy dạy tốt, trò học tốt. Vậy không có lý do gì mà thầy giáo (và học sinh) lại không thực hiện nghiêm túc những khẩu hiệu (xem như là pháp lệnh) được bộ Giáo dục - Đào tạo đề ra:
*DẠY THỰC CHẤT, HỌC THỰC CHẤT, ĐÁNH GIÁ ĐÚNG THỰC CHẤT.
*DÂN CHỦ, KỶ CƯƠNG, TÌNH THƯƠNG, TRÁCH NHIỆM.
Hiểu và  thi hành đầy đủ, đúng thực chất các nội dung trên là chúng ta đã làm tròn cái đạo làm Thầy ( và đạo làm Trò).

        Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập trường Trung học Phổ Thông Thị xã Quảng Trị, tôi xin gởi đến ban Lãnh đạo trường và toàn thể thầy cô lời chúc sức khoẻ, thành công trong sự nghiệp trồng người để làm tròn thiên chức nhà giáo mà xã hội giao phó và tôn vinh. Tôi cũng xin chúc các bạn học sinh học tập, rèn luyện tốt về cả thể chất, tinh thần và đạo đức để “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”. Làm tốt điều đó là các bạn đã phần nào đền đáp công ơn  thầy-cô của mình. Mong rằng khi thầy-cô đã giữ trọn đạo làm Thầy thì các bạn cũng giữ vẹn đạo làm Trò.Và được như thế thì còn gì vinh dự và hạnh phúc hơn!
                                                                

          TXQT, Xuân Canh Dần (2010).


http://thpt-txquangtri.vn/News/?ID=271

Ký ức trường xưa

Một ngôi trường có chất lượng cao bền vững
Được thành lập từ năm 1975, ở vùng đất Bèng nơi giáp ranh giữa Làng Nại Cửu và làng Cổ Thành (Quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Duẫn), với tên gọi đầu tiên là trường Cấp 3 Triệu Phong. Cùng với sự biến đổi của Quê hương, trường được đổi tên nhiều lần: Trường PTTH số 1 Triệu Hải (1977 - 1988); rồi trường THPT Thị Xã Quảng Trị (từ 1989 đến nay).
Đứng tựa bên chân Thành Cổ, có một ngôi trường được nhiều người biết đến với danh tiếng: Dạy tốt, học tốt, chất lượng cao thực chất, đó là Trường THPT Thị Xã Quảng Trị.
Đi lên từ những ngày đầu đầy cam go và thử thách, sau sự huỷ diệt của chiến tranh, bảy thầy cô giáo đầu tiên được giao trọng trách dựng trường mở lớp. Buổi đầu chỉ là 3 gian nhà tranh, phên nứa nhưng, với lòng nhiệt tình cách mạng và say sưa với nghề nghiệp, tập thể sư phạm đầu tiên của trường đã biết đặt nền móng hồi sinh cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của quê hương.
Qua 35 năm xây dựng và phát triển, trường luôn là địa chỉ đào tạo tin cậy của phụ huynh học sinh toàn tỉnh. Có thể nói, nhờ công tác tổ chức quản lý tốt, tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp cao của cán bộ, giáo viên, nhân viên; ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm và sự hiếu học của học sinh đã tạo nên một “Bản hòa tấu đồng điệu” để mỗi thanh âm khắc lên nhiều thành tích vẻ vang, đó là: Chất lượng đào tạo luôn giữ vững ở tỉ lệ đỗ đạt cao. Tốt nghiệp hàng năm đạt từ 98% đến 100%. Đỗ vào các trường ĐHCĐ đạt từ 35 đến 55%; các kỳ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, trường luôn đứng vị trí hàng đầu trong khối THPT về số lượng và chất lượng giải. Năm nào cũng có học sinh đạt giải Quốc gia. Chất lượng được khẳng định bằng sự đánh giá khoa học, khách quan của Bộ giáo dục và Đào tạo:
- Năm học 2006 - 2007, trường được xếp vào tốp 100 trường chất lượng cao toàn Quốc.
- Năm học 2007 - 2008, trường được xếp vào tốp 200 trường chất lượng cao toàn Quốc.
- Năm học 2009 - 2010, trường được xếp vào tốp 200 trường chất lượng cao toàn Quốc.(Thứ 152)
Đó chính là sự phản ánh khách quan của những giá trị đích thực được nẩy nở trong trong tiềm tàng mảnh đất và con người hiếu học của một vùng quê. Dõi theo lớp lớp học sinh được đào tạo tại trường mới thấy rõ phẩm chất đó ngày càng được toả sáng. Đó là sự cần cù, chăm chỉ, hiếu học, có chí tiến thủ, có khát vọng vươn lên. Phẩm chất đó được tôi luyện trong một môi trường có kỷ cương, nền nếp tốt. Ở đó có một tập thể thầy cô giáo đoàn kết thống nhất, đồng lòng, đồng sức vì sự nghiệp trồng người. Tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cao, tận tụy với công việc đã trở thành nét đẹp truyền thống của đội ngũ giáo viên trường THPT Thị Xã Quảng Trị. Lớp trước làm gương cho lớp sau, lớp sau càng thấy sáng lên lòng tự hào mà tự tin vững bước.
Từ đó, tự khắchình thành một nếp nghĩ, một phong cách làm việc, một lẽ sống mang tính trách nhiệm cao và luôn khao khát được khẳng định uy tín.
Học trò chăm chỉ, hiếu học, thầy giáo trách nhiệm cao, hết lòng vì sự nghiệp trồng người đã tạo nên sự đồng hành cùng nhịp cho từng bước đi vững chắc.
Rõ ràng bí quyết của chất lượng đích thực của nhà trường chính là từ mạch nguồn của phẩm chất, đức tính học trò, từ lương tâm, đạo đức người thầy.
Những yếu tố đó đã kết tinh nên vẽ đẹp vĩnh hằng: Dạy tốt, học tốt, chất lượng cao thực chất.
Nhìn lại 35 năm trưởng thành và phát triển, thầy trò trường THPT Thị Xã Quảng Trị vô cùng tự hào vì đã đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng:
- Năm 1999 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
- Năm 2005 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; được Tỉnh công nhận là trường chuẩn Quốc gia.
- Năm 2008 được Chính phủ tặng Bằng khen thành tích 5 năm 2003 – 2008.
- Năm 2009 được Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu; UBND Tỉnh tặng danh hiệu Đơn vị Văn hóa Xuất sắc.
- Năm 2010 được UBND Tỉnh trao tặng danh hiệu Đơn vị Điển hình tiên tiến (2005-2010).
- Năm 2010 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.
…Từng lớp học sinh từ mái trường ra đi có mặt ở khắp mọi miền của Tổ quốc luôn ngẩng cao đầu vì đã được học ở trường THPT Thị Xã Quảng Trị (nơi mơ ước đến của nhiều học sinh trong toàn tỉnh). Ở đâu họ cũng luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp vốn đã được đào tạo ở một ngôi trường có thương hiệu giáo dục.
Nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo đã nghĩ hưu họ cũng tự thấy mãn nguyện vì đã có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nhà trường, nhất là việc tạo nên truyền thống tốt đẹp mà lớp lớp thế hệ hôm nay luôn thấy tự hào và có trách nhiệm giữ gìn.
Khi được hỏi một vài giáo viên trẻ: Yếu tố nào chi phối đến sự nỗ lực phấn đấu của mình? Chúng tôi đều nhận được câu trả lời dường như giống nhau:
- Quảng Trị mảnh đất nghèo nhưng con người Quảng Trị cần cù, chịu khó, truyền thống đó đã thắp nên niềm tin cho thế hệ trẻ.
- Được sống, làm việc ở mảnh đất Thành Cổ anh hùng với chiến công vang dội 81 ngày đêm đã đi vào lịc sử dân tộc như một huyền thoại, đã trở thành bài ca hùng tráng thôi thúc chúng tôi luôn có trách nhiệm xây dựng quê hương hôm nay phát triển giàu đẹp.
- Vô cùng vinh dự và tự hào được sống và làm việc ở một ngôi trường nằm giữa lòng Thành Cổ anh hùng, chúng tôi tự khắc nghĩ ra rằng thế hệ hôm nay phải nêu cao quyết tâm xây dựng trường phát triển lên một tầm cao mới, xây dựng trường trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Có như thế mới thật xứng đáng với những cống hiến của thế hệ đi trước và xứng tầm với sự phát triển không ngừng của 35 năm qua tạo nên chất lượng đích thực hôm nay.
                                                           
               Thị xã Quảng Trị, ngày 15 tháng 7 năm 2010
                                    Th.S Ngô Viết Đức - HT trường THPT TXQT
http://thpt-txquangtri.vn/News/?ID=297